Đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường có sức hấp dẫn lớn với nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, niềm yêu thích với các thức ăn này cũng tỷ lệ thuận với cân nặng và nguy cơ béo phì. Tại sao ăn nhiều đường lại béo phì?
Trong chế độ ăn hàng ngày, các loại đường phổ biến nhất bao gồm: sucrose, lactose, fructose và đường hóa học. Trong đó, fructose là loại đường tự nhiên có mặt trong trái cây, mật ong và hầu hết các loại rau củ. Tuy nhiên, fructose cũng được sử dụng dưới dạng siro fructose để tăng độ ngọt cho các thực phẩm chế biến sẵn như: sữa chua, bánh mì, bánh quy, nước ngọt có ga…
Việc tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là kết hợp với lối sống ít vận động, sẽ khiến cơ thể dư thừa năng lượng. Phần năng lượng không sử dụng này sẽ được chuyển hóa và tích trữ dưới dạng mỡ, dẫn đến tăng cân và béo phì.
Mặc dù đường không trực tiếp gây tăng cân, nhưng nó ảnh hưởng đến hormone và hoạt động não bộ, kích thích cảm giác thèm ăn. Đặc biệt, fructose có thể tác động đến vùng hạ đồi – khu vực trong não điều khiển cảm giác đói, tiêu hao năng lượng và chuyển hóa chất béo. Điều này khiến cơ thể dễ cảm thấy đói và thèm ăn hơn.
Ngoài ra, các thực phẩm có vị ngọt thường mang lại cảm giác dễ chịu, vui vẻ. Chính điều này càng thúc đẩy hành vi tiêu thụ nhiều đường và thực phẩm giàu calo, tạo thành một vòng luẩn quẩn dẫn đến nguy cơ tăng cân khó kiểm soát.
Việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường có thể làm tăng lượng đường trong máu. Nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài, cơ thể dễ rơi vào tình trạng kháng insulin và tăng đường huyết mạn tính.
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển đường (glucose) từ máu vào các tế bào để tạo năng lượng. Đồng thời, insulin cũng tham gia vào quá trình lưu trữ chất béo. Tuy nhiên, khi cơ thể bị kháng insulin, các tế bào không còn phản ứng hiệu quả với insulin, không hấp thu được glucose để tạo năng lượng, trong khi chức năng lưu trữ chất béo vẫn diễn ra bình thường – hiện tượng này gọi là kháng insulin có chọn lọc.
Chính sự mất cân bằng này khiến đường trong máu tăng cao, đồng thời lượng mỡ trong cơ thể cũng tích tụ nhiều hơn, đặc biệt là ở vùng bụng – nơi dễ tích tụ mỡ nội tạng và làm tăng nguy cơ các bệnh chuyển hóa như tiểu đường tuýp 2, tim mạch...
Các thực phẩm chế biến sẵn được bổ sung chất tạo ngọt (siro bắp, đường mía…) chứa rất nhiều calo và ít chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, như: vitamin, khoáng chất, chất xơ, protein… Ví dụ: 30ml siro bắp tạo ngọt thông thường chứa đến 120 calo. Do đó, các loại đường này còn được gọi là “calo rỗng”. Ngoài ra, thực phẩm và đồ uống nhiều đường như: kem, kẹo, bánh quy… cũng có xu hướng chứa nhiều calo hơn.
Một lượng nhỏ đường không thể gây tăng cân, nhưng ăn các thực phẩm này thường xuyên có thể khiến lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng nhanh hơn và trầm trọng hơn. Đây cũng là một phần nguyên nhân tại sao ăn nhiều đường lại béo phì.
Các loại thực phẩm và đồ uống giàu đường như bánh ngọt, bánh quy, kem, kẹo… thường thiếu hụt protein – một dưỡng chất quan trọng giúp tạo cảm giác no. Protein không chỉ làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp ổn định lượng đường huyết, mà còn có khả năng điều chỉnh hormone gây đói như ghrelin, đồng thời kích thích sản xuất các hormone tạo cảm giác no như peptide YY (PYY) và GLP-1 (peptide giống glucagon-1).
Khi tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều đường nhưng lại ít hoặc không có protein, cơ thể dễ rơi vào trạng thái nhanh đói, dẫn đến việc ăn nhiều hơn ở các bữa ăn tiếp theo – một trong những nguyên nhân âm thầm gây tăng cân.
Ngoài ra, các thực phẩm ngọt cũng thường thiếu chất xơ, một thành phần cũng góp phần làm tăng cảm giác no và hạn chế cảm giác thèm ăn, dù tác dụng không mạnh bằng protein. Việc thiếu cả protein lẫn chất xơ trong chế độ ăn sẽ khiến bạn khó kiểm soát cơn đói, dễ ăn quá mức và tích tụ mỡ thừa theo thời gian.
Việc tiêu thụ quá nhiều đường sẽ làm gia tăng lượng calo nạp vào, gây dư thừa năng lượng và tích tụ mỡ thừa, đặc biệt là ở vùng bụng. Ngoài ra, đường còn ảnh hưởng đến hormone điều chỉnh cảm giác đói và no, khiến bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết. Khi kết hợp với lối sống ít vận động và chế độ ăn thiếu cân đối, đường trở thành yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tăng cân và béo phì.
Để hồ sơ của bạn được xác thực, bạn phải đáp ứng đủ những bước sau đây: